TRANG VĂN HÓA- LỊCH SỬ

Quê Hương Một Thoáng Đi Tìm


Tác giả: Dương Đại Trường
Thể loại: Truyện ký

Lời Tác Giả: Truyện ký Quê Hương Một Thoáng Đi Tìm của nhà văn Dương Đại Trường trích trong tác phẩm: Chiều Xưa Nhạt Nắng. Tác giả ghi lại những kỷ niệm thời sinh viên nơi khung trời đại học.

****

          Chiếc taxi dừng lại bên dốc cầu chữ Y, ngã rẽ về Chánh Hưng. Tôi bước vội xuống xe, vẩy tay chào người tài xế rồi đi theo hướng của tấm bảng chỉ đường, dẫn vào xóm lao động nghèo Hưng Phú. Vừa đi tôi vừa cố nhớ lại những điểm quen thuộc ngày xưa, nhưng cơ hồ không còn dấu vết gì lưu lại nơi đây sau thời gian dài xa xứ, làm thân phận người tỵ nạn!
     Trước mắt tôi, con đường ngày xưa nhầy nhụa bùn lầy nay đã được tráng nhựa phẳng lì, quanh co uốn khúc, dẫn đến bờ kinh Tàu Hủ, con kinh quanh năm dòng nước đen ngòm, mang chất thải từ thành phố chảy ra biển! Tản bộ hồi lâu theo con đường dọc bờ sông, tôi ghé vào quán giải khát, gọi ly nước uống, thả hồn theo nắng trưa hè nhẹ lan trên mặt sông, nhớ về ngày tháng dĩ vãng:
     Ngày đó! Tôi còn là một cậu học trò từ vùng quê lên Saigon sôi kinh nấu sử, ở trọ nhà của người anh bà con cùng quê, tản cư lên Sàigon lánh nạn chiến tranh. Hằng ngày đi đến trường, tôi tản bộ từ đường Hưng Phú, qua cầu Chữ Y, đi hết con đường Nguyễn Biểu rồi rẻ mặt vào Nguyễn Trải, quẹo trái qua Cộng Hòa đến khu đại học Khoa Học Sài Gòn tọa lạc, nhìn đối diện xéo qua là Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Và cứ mỗi lần đi trên cầu Chữ Y, tôi dừng lại giây phút trên cầu, nhìn xuống dòng kinh, lòng dâng lên cảm nghĩ mà thương cho con kinh dãi dầu năm tháng với dòng nước đen ngòm như thuốc nhuộm! Con kinh Tàu Hủ chiếm một vị trí quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế, nó nối liền đường thủy từ đồng bằng sông Cửu Long đến Chợ Lớn, Sài Gòn. Tàu ghe chở nông phẩm từ Lục Tỉnh tới lui tấp nập trên kinh, hai bên bờ nhiều nhà máy xay, chành lúa được dựng lên từ Bình Tây đến Bình Đông. Kinh Tàu Hủ chạy quanh co uốn khúc qua rạch Bến Nghé đỗ ra sông Sài Gòn. Ngày xưa Bến Nghé cũng đã ghi lại một dòng lịch sử của thời chiến tranh chống Pháp, như qua hai câu thơ trong bài thơ Chạy Giặc của cụ Đồ Chiểu:
Bến Nghé cửa Tiền tan bọt nước,
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.!!

       Thuở đó, khi con nước ròng, mặt kinh Tàu Hủ trôi lềnh đềnh rác rưởi từ các cống rảnh thành phố chảy ra, xông lên mùi hôi khó ngữi. Hai bên bờ sông san sát những căn nhà ổ chuột, mà đa số cư dân là người từ các vùng quê lên Saigon lánh nạn chiến tranh. Rồi khi nước lớn, cơn gió đưa nước thổi nhẹ trên mặt kinh làm gợn lên con sóng nhỏ lăn tăn và lao xao ngọn cây bần cô độc dưới chân cầu. Đi đến cuối cầu Chữ Y là tiếp giáp với con đường Nguyễn Biểu, bên trái là những quán bar phục vụ lính Mỹ. Nơi đây đã có những cuộc tình chớp nhoáng của người lính Mỹ viễn chinh với những cô gái Việt. Tiếp tục theo con đường Nguyễn Biểu đến ngã ba Cao Đạt, rẻ trái vào Cao Đạt chừng hai trăm thước là bến xe Lambro 550, thuộc tuyến đường Nguyễn Biểu-Sàigon. Trong các phương tiện vận chuyển công cộng thời bấy giờ, xe lam và xích lô máy thịnh hành nhất ở Sàigon. Tôi còn nhớ, những ngày nghỉ học, dù tôi có chiếc xe gắn máy hiệu Honda Dame tôi mang từ dưới quê lên làm phương tiện di chuyển, nhưng tôi cũng thường đến bến xe Lambro Cao Đạt lấy vé đi Sàigon rồi ra bến Bạch Đằng hóng gió, hay đến thư viện Quốc Gia trên đường Gia Long đọc sách và tham khảo tài liệu. Nhớ lại kỷ niệm, có một lần tôi đi xe Lambro cùng với thằng bạn sinh viên. Xe chỉ còn một chỗ trống nên thằng bạn nhường cho tôi, còn nó thì ngồi ghế súp-lê (Supplementary). Chiếc xe lambro 550 cũ kỹ chở quá tải, chạy ì ạch tung khói trắng mịt trời, chạy cả giờ đồng hồ mới tới bến xe Sàigon!
       Xe Lambro dùng làm phương tiện giao thông công cộng nội thành thay cho xe ngựa từ giữa thập niên 60, nằm trong chương trình Hữu Sản Hóa của chính phủ, nhằm một phần chương trình tạo công ăn việc làm cho người dân thành thị. Thời giá chiếc xe Lambro 550 lúc bấy giờ vào khoảng 35 cây vàng. So sánh lương tháng của công chức nhà nước chỉ hơn một lượng vàng. Vì vậy, chính phủ mới  đưa ra chương trình giúp người dân vay ngân hàng mua trả góp hằng tháng với lãi suất thấp. Chương trình hữu sản hóa của chính phủ cũng nhằm để thay thế dần dần những xe Thổ Mộ hoạt động nhiều tuyến đường ven đô, làm thay đổi bộ mặt văn minh đô thị trong thời đại cơ giới.
       Tại ngã ba Cao Đạt-Nguyễn Biểu thời đó có những xe bán vịt quay, heo quay, thịt phá lấu và bao tử heo khìa. Những chiếc xe bán loại nầy, dân nhậu gọi là: Quán nhậu vỉa hè. Mỗi buổi chiều, khách nhậu trong giới bình dân tập trung về đây ngồi chật nít hai bên lề đường Cao Đạt. Lúc bấy giờ, tôi còn là sinh viên, cơm nhà áo của mẹ cha, nên không có tiền để ngồi xuống nhâm nhi vài chai bia con cọp. Và mỗi lần đi ngang qua nhìn những con vịt quay bóng mở treo trong lồng kính, tôi đã phải thèm chảy nước miếng! Qua khỏi ngã ba Cao Đạt-Nguyễn Biểu là tới ngã tư Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu. Tiếp tục đi đến đầu đường Nguyễn Biểu là ngã ba Nguyễn Trải-Nguyễn Biểu.  Tại ngã ba có trường học Bác Ái của người Hoa Kiều. Từ đây quẹo mặt vào Nguyễn Trải tới đại lộ Cộng Hòa, rẻ trái là tới trường đại học Khoa Học Sàigon mà tôi đã có một thời theo học ban Toán-Lý-Hóa, gọi tắt là MPC.
     Nhớ về thời sinh viên trước năm 1975 thì phải nhắc đến viện đại học Sàigon có những phân khoa như: Luật khoa, Văn Khoa, Sư Phạm, Khoa Học, Y Khoa, Dược Khoa, Nha Khoa và trường đại học Kỹ Thuật Phú Thọ.
     Trường đại học Khoa Học Sàigon thời tôi học nằm trên đường Cộng Hòa, đối diện với Tổng Nha Cảnh Sát. Tiền thân của Trường Đại Học Khoa Học là trường Cao Đẳng Khoa Học ở Hà Nội, thành lập năm 1941 thời Pháp thuộc. Đến năm 1947 thì mở thêm chi nhánh ở Sài Gòn, tọa lạc tại số 125 đường Bonard. Sang thời quốc gia Việt Nam Cộng Hòa thì Trường Cao Đẳng Khoa Học đổi thành trường Đại Học Khoa Học vào năm 1953. Năm sau, 1954 thì cơ sở Hà Nội chuyển vào Sài Gòn và hợp nhất thành một trường. Ngày 11 tháng Năm năm 1955, viện đại học Quốc Gia Việt Nam chính thức hình thành, hệ thống đại học bao gồm cả trường Đại Học Khoa Học, quyền khoa trưởng đầu tiên là giáo sư Nguyễn Quang Trình. Năm 1957 khi Viện Đại Học Huế ra đời thì viện đại học Quốc Gia Việt Nam đổi tên thành Viện Đại Học Sài Gòn. Từ đây, trường Đại Học Khoa Học cũng đổi sang tên là  Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Trường sở của Đại Học Khoa Học lúc đầu tiên ở trên đường Lê Lợi, trung tâm thành phố, rồi vài năm sau đó chuyển ra đường Cộng Hòa. Trường Đại học Khoa Học Sài Gòn phát triển mạnh về mặt giáo dục lẫn nghiên cứu, và đến năm 1965 bắt đầu cấp bằng tiến sĩ hóa học. Từ đó cho đến năm 1975 đây là trung tâm khoa học xuất sắc nhất cả nước, ở miền Nam lẫn miền Bắc, vì ở phía bắc vĩ tuyến 17 hoàn toàn không có cơ sở giáo dục nào được công nhận cấp văn bằng tiến sĩ. Tôi trở thành sinh viên của trường Đại Học Khoa Học Sàigon vào năm 1971, theo học chứng chỉ MPC.
       Thời gian tôi là sinh viên trường đại học Khoa Học Sàigon, những kỷ niệm thời thư sinh đã in hằn trên những con đường hằng ngày tôi đi học và những ngày tháng mài đũng quần trên ghế giảng đường. Thuở đó trường đại học Khoa Học có hai giảng đường chính: Giảng đường 1 và giảng đường 2. Giảng đường 1 nằm bên phải cổng chánh đi vào trường, ẩn mình dưới tàn cây me Tây cao vút che mát lối vào. Phía sau giảng đường 1 là câu lạc bộ sinh viên, bán thức ăn và nước uống bình dân cho sinh viên. Giảng đường 2 tọa lạc bên khu đại học Sư Phạm. Từ đại lộ Cộng Hòa đi vào giảng đường 2, nếu đi theo cổng vào của trường đại học Sư Phạm, thì phải đi ngang qua một khoảng sân rộng lớn. Giảng đường 2 dành cho sinh viên theo học chứng chỉ SPCN và MPC. Thông thường, hai giảng đường 1 và 2 dành cho giáo sư giảng dạy sinh viên năm thứ nhất của đại học Khoa Học. Bởi vì năm đầu sinh viên ghi danh rất là đông. Sang năm thứ hai, thứ ba... sinh viên rớt dần dà cho đến khi hoàn tất cử nhân thì chẳng còn bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp! Đối với nam sinh viên như tôi, nếu thi rớt thì phải lên đường nhập ngũ vào quân trường Thủ Đức! Vì thế, văn bằng cử nhân và cao học trong thời chiến của Việt Nam Cộng Hòa, nữ sinh viên tốt nghiệp nhiều hơn nam sinh viên!
     Những ngày tháng nơi khung trời đại học Khoa Học Sàigon, dù đất nước đang chiến tranh chống cộng sản, nhưng chính thể Việt Nam Cộng Hòa đã chú trọng nhiều về lãnh vực giáo dục cho thế hệ trẻ. Nền giáo dục dựa trên nền tảng: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Vì vậy, những người thầy phải được đào tạo theo đúng trình độ chuyên nghiệp và tri thức. Chương trình giáo dục cập nhật hóa theo các nước Âu-Mỹ. Tôi còn nhớ các giáo sư giảng dạy năm thứ nhất cho các chứng chỉ MPC, SPCN, MGP... Các giáo sư nầy đều có bằng cấp cao, thường là người có học vị tiến sĩ, tốt nghiệp ở ngoại quốc, hay ít nhất cũng có đi tu nghiệp ở nước ngoài trở về. Các thầy dạy tôi năm ấy như: Gs Nguyễn Thanh Tùng, Gs Lê Kim Đính, Gs Nguyễn Hữu Tính, Gs Trịnh Toàn, Gs Lâm Lý Hùng, Gs Chu Phạm Ngọc Sơn, Gs Nguyễn Văn Kỷ Cương...v..v... Năm tôi học, Gs Đinh Văn Hoàng làm khoa trưởng thay thế Gs Nguyễn Chung Tú.
      Nơi trường đại học Khoa Học, thời điểm khoảng hai tháng trước ngày Sài Gòn thất thủ, có một sự kiện gây chấn động trong giới giáo sư giảng dạy ở trường đại học Khoa Học là: Giáo sư Lâm Lý Hùng đã dùng thuyền gỗ chạy máy đuôi tôm chở gia đình rời Sài Gòn với ý định đi thẳng tới Úc Đại Lợi. Chiếc ghe của giáo sư Hùng lênh đênh trên biển mấy ngày rồi bị sóng to gió lớn nên phải ghé vào Malaysia xin tỵ nạn. Lúc bấy giờ, nhật báo Trắng Đen có viết một bài với nhan đề: Giáo sư Lâm Lý Hùng thôi nhận Việt Nam làm quê hương.! Nói về Gs Hùng, thầy dạy tôi môn Tân Toán Học. Ông là người thầy ăn mặc rất bình dân, hình như lập dị và ngông giống như thi sĩ Bùi Giáng! Không bao giờ tôi thấy Gs Hùng thắt cà vạt chỉnh tề. Chiếc thắt lưng của ông đeo bằng nhựa nên lâu ngày mấy cái lổ cài móc trở nên rộng huỵch. Tôi chỉ học một năm nơi trường đại học Khoa Học Sài Gòn, nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với vị giáo sư lè phè nầy.
       Sau một năm tôi theo học chứng chỉ MPC ở đại học Khoa Học Sàigon, nha động viên của chính thể Việt Nam Cộng Hòa thay đổi hạn tuổi nhập ngũ, áp dụng cho nam sinh viên theo học các phân khoa tự do ghi danh như Luật Khoa, Khoa Học và Văn Khoa. Thế là tôi phải tìm đường thi vào các phân khoa chuyên môn như Kỹ Thuật Phú Thọ, Y Khoa, Dược Khoa, Nha Khoa, Sư Phạm..Vì vậy tôi đã ghi danh thi tuyển vào mọi phân khoa chuyên môn để cầu mong trúng tuyển và được hoản dịch vì lý do học vấn. Thời gian đó, tôi mài kinh nấu sử để dốc toàn lực vào những kỳ thi tuyển! Rốt cuộc tôi được đậu vào phân khoa Sư Phạm của trường đại học Cần Thơ, ban Toán Lý Hóa. Thời điểm nầy giáo sư Hứa Vạn Lộc làm khoa trưởng đại học Sư Phạm và Gs Nguyễn Duy Xuân làm viện trưởng viện đại học Cần Thơ. Về cơ sở vật chất, viện đại học Cần Thơ có ba khu: Khu Cái Răng, khu Cái Khế và khu Tự Đức. Khu Cái Răng dành cho sinh viên theo ngành Nông Lâm Súc. Khu Cái Khế cho các phân khoa: Luật, Văn và Sư Phạm. Khu Tự Đức cho sinh viên theo Khoa Học.
      Thời gian tôi về Cần Thơ tiếp tục con đường học vấn, cũng là lúc tình hình chiến sự bắt đầu gia tăng. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa đối diện với hai thế lực: Thù trong và giặc ngoài.          
     Thù trong là nhóm sinh viên thân cộng đã len lỏi vào trong các trường đại học để móc nối sinh viên gia nhập vào nhóm hoạt động biểu tình chống phá chính phủ.! Nhóm sinh viên nầy được cầm đầu bởi những khuôn mặt quen thuộc nhân danh chủ tịch tổng hội sinh viên như: Huỳnh Tấn Mẫm ở đại học Sàigon và Nguyễn Đức Dũng ở đại học Cần Thơ. Phong trào sinh viên xuống đường chống chính phủ đã ít nhiều gây bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa về mặt tâm lý và tinh thần nhân dân bị giảm sút trong công cuộc chống cộng. Ngay cả giới giáo sư giảng dạy cũng đã có vài vị ngã theo khuynh hướng thân cộng, chống đối chính phủ. Tôi lấy điển hình là Gs Trần Kim Thạch trưởng ban Địa Chất trường đại học Khoa Học Sàigon. Chính vì Gs Trần Kim Thạch thân cộng nên văn phòng của Ban Địa Chất là nơi che chở họp mặt của những phần tử hoạt động gián điệp nội thành Sàigon-Gia định của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Sau ngày miền Nam bị cưỡng chiếm Gs Trần Kim Thạch đã hiện nguyên hình là người ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản! Ông được chế độ cộng sản Việt Nam ân huệ cho chức vụ hiệu phó trường đại học Khoa Học Tự Nhiên thành phố Hồ Chí Minh.
       Về việc đối phó với giặc ngoài, sau chuyến công du Bắc Kinh của tổng thống Nixon năm 1972, Việt Nam Cộng Hòa bị Hoa Kỳ áp lực phải ngồi vào bàn hội nghị Paris trong tư thế chẳng đặng đừng! Nói về hội nghị Paris, mục đích của cộng sản Bắc Việt là lợi dụng hiệp định ngưng chiến để âm thầm chuyển quân vào Nam tiếp viện cho mặt trận Giải Phóng Miền Nam với mưu đồ cưỡng chiếm Việt Nam Cộng Hòa. Vì vậy, sau khi đã vận chuyển toàn bộ vũ khí đạn dược vào miền Nam thì cộng sản Việt Nam mở chiến dịch Hồ Chí Minh do đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, xâm lăng miền Nam! Với chiến thuật hai mũi giáp công, cộng sản Bắc Việt xua quân theo đường mòn Hồ Chí Minh đánh từ vùng I của Việt Nam Cộng Hòa trở vào Sàigon. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam chịu trách nhiệm đánh chiếm các tỉnh của vùng III và vùng IV. Trước sự tấn công mãnh liệt của Bắc Việt, Tổng thống Thiệu ra lệnh triệt thoái quân đội khỏi vùng I, rồi vùng II và dẫn đến Việt Nam Cộng Hòa bị cưỡng chiếm!
     Những năm tháng cuối cùng của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nam sinh viên như tôi trải qua nhiều nỗi buồn vui theo vận mệnh đất nước! Rồi khi cuộc hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào ngày 19/01/1974, tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ban hành lệnh tổng động viên, kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ chống ngoại xâm. Thời điểm nầy, tôi đang học năm cuối của học trình đại học sư phạm, nhưng tôi cũng phải xếp bút nghiên lên đường diệt giặc như tiền nhân đã nói: Đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách.
       Tôi vẫn còn nhớ mãi những kỷ niệm thời sinh viên của tôi sau ngày tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành lệnh tổng động viên. Những ngày đó, tôi đến trường trong tâm trạng man mác buồn! Nỗi buồn vì sẽ chia tay bè bạn, buồn cho đất nước chiến tranh và buồn cho bao đứa bạn tôi vừa gục ngã trên chiến trường. Và buồn nào hơn, khi tôi nghe lời nhạc của nhạc phẩm Anh Đi Chiến Dịch, do sinh viên ban Việt Hán đồng ca vào giờ giải lao trở vào học, như để tiễn chúng tôi lên đường nhập ngũ. Lời nhạc nghe lúc du dương, lúc hùng hồn thúc giục tinh thần người trai đáp lời sông núi: “... Anh đi chắc hẳn anh còn nhớ, đôi mắt u uẩn chiều tiễn đưa, của người em nhỏ thơ ngây quá, chưa biết cười lên hẹn đợi chờ...Có những chiều mưa phơn phớt lạnh, đem cả hồn Thu tới lòng người. Bao nhiêu chàng trai tay xiết mạnh, thầm hẹn ngày về quê Bắc ơi...”.
      Bởi vì lịch trình nhập ngũ căn cứ theo thứ tự vào ngày tháng năm sinh nên tôi thuộc danh sách nhập ngũ sau cùng. Tôi đã chuẩn bị khăn gói lên đường thì nhận được thông báo từ Nha Động Viên, lúc bây giờ đã đổi thành là Tổng Nha Nhân Lực, đăng trên báo chí rằng: Sinh viên thuộc ngành sư phạm được Bộ Giáo Dục can thiệp, miễn lên đường nhập ngũ. Những bạn bè tôi nhập ngũ sớm cũng được trả về lại trường tiếp tục con đường học vấn, làm Kỹ Sư Tâm Hồn. Thế là nam sinh viên ngành Sư Phạm của chúng tôi được cấp lại giấy chứng nhận hoãn dịch vì lý do học vấn do thiếu tướng Bùi Đình Đạm, giám đốc Tổng Nha Nhân Lực ấn ký. Cũng trong thời gian nầy, nam sinh viên các phân khoa ghi danh tự do, tiếp tục lên đường nhập ngũ. Vì vậy, nơi quân trường Thủ Đức không còn chỗ trống để cho khóa sinh hoàn tất chín tháng quân trường, nên phải chuyển ra quân trường Đồng Đế thụ huấn nhờ. Và để giải quyết tình trạng quá tải nơi quân trường, sinh viên sĩ quan Võ Khoa Thủ Đức được cho đi chiến dịch sau khi hoàn tất  tuần lễ huấn nhục căn bản quân sự và làm lễ gắn alpha cho khóa sinh. Những sinh viên sĩ quan võ khoa Thủ Đức thuộc diện đặc biệt nầy được bổ nhiệm về các Phân Chi Khu xã làm nhiệm vụ như một cán bộ Tâm Lý Chiến, tiếp cận người dân để vận động cử tri cho cuộc tổng tuyển cử theo tinh thần hiệp định Paris đã ký kết ngày 27/1/1973.
      Nhớ lại những kỷ niệm thời sinh viên của tôi nơi khung trời Tây Đô, phải nhớ đến kỷ niệm những buổi tối nơi Xa Lộ Không Đèn và những quán cafê đối diện với khu đại học Cái Khế. Xa lộ Không Đèn là tên gọi trong giới sinh viên của chúng tôi đặt tên cho đại lộ Nguyễn Viết Thanh, trung tướng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Trên đại lộ Không Đèn, vào những buổi tối hai bên lề đường, từ ngã tư Tạ Thu Thâu-Nguyễn Viết Thanh chạy dài đến cầu Cái Răng, có hằng chục cặp tình nhân đồng lõa với bóng tối, họ sát má vào nhau trao những nụ hôn tình tứ và thực hiện cuộc mây mưa thõa mãn thể xác. Thuở ấy, thỉnh thoảng tôi và người bạn gái cũng thưởng thức hương vị tình yêu dưới trời đêm lấp lánh ngàn sao! Dọc theo xa lộ Không Đèn, hai bên đường lúc bấy giờ vẫn còn cảnh đồng quê thôn dã. Qua khỏi khu đại học Cái Khế, đi về hướng Cái Răng có trạm biến điện cao thế nằm cheo leo giữa đầm lầy có lục bình nở hoa tim tím một vùng, trông rất thơ mộng. Đi thêm đoạn đường nữa là đến ngã ba Đầu Sấu, nơi đây còn gọi tên khác là công trường trung tướng Trần Văn Soái. Từ đây, nếu thẳng tiến là quốc lộ đi về các tỉnh miền Tây. Nếu quẹo trái vào thị xã Cần Thơ là đường Mạc Tử Sanh, chạy ngang qua trường đại học Nông Nghiệp, trung tâm nhập ngũ Vùng IV, đài Truyền Hình Cần Thơ, chợ Tham Tướng. Qua khỏi cầu Tham Tướng là đường Lý Thái Tổ dẫn đến bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa rồi vào đại lộ Hòa Bình, nơi có bản doanh của tướng tư lệnh vùng IV chiến thuật.
       Những năm tháng ở Cần Thơ dùi mài kinh sử, tôi ở trọ khu nhà cho sinh viên thuê, tọa lạc bên bờ sông Rạch Bần. Từ khu nhà trọ, tôi đi bộ theo con đường Tạ Thu Thâu, đến bót cảnh sát rồi quẹo trái vào Nguyễn Viết Thanh. Thời gian tản bộ chừng mười phút là đến trường đại học Cái Khế. Nhớ thuở ấy, như lệ thường, vào những ngày đầu tháng tôi về thăm nhà vài hôm rồi trở lại trường. Mỗi lần như vậy, tôi được gia đình cho ít tiền rủnh rỉnh trong túi thì tôi đi học rất sớm để có thì giờ ghé vào quán cafê đối diện khu đại học, ngồi uống ly cafê đen chờ đến giờ vào lớp. Cho tới bây giờ, còn đó chưa phai trong ký ức của tôi hình ảnh các quán cafê có những tên nghe trử tình và lãng mạn. Quán cafê Tình Đá, trước sân có ao lục bình nở hoa tím khoe mình dưới nắng hè rực rở. Quán giải khát Sương Chiều có những cây trứng cá trước nhà che mát khoảng sân rộng có đặt những chiếc bàn cho ẩm khách ngồi uống nước. Khi màn đêm buông xuống, lời nhạc rơi theo cung đàn, âm thanh hòa quyện vào ánh đèn màu chớp tắt trên cành cây, tạo nên khung cảnh thơ mộng giống như ẩm khách đang ngồi dưới bầu trời đêm đen có ngàn sao lấp lánh...
      Thời sinh viên của tôi cứ thế mà trôi đi êm đềm theo ngày tháng. Mãi đến cuối năm, khóa sư phạm của tôi đã hoàn tất và từ đó bạn bè mỗi người mỗi phương, gánh trách nhiệm người kỷ sư tâm hồn. Nhưng vài tháng sau đó, mặt trận Giải Phóng Miền Nam được sự yểm trợ của cộng sản Bắc Việt và các nước trong khối cộng sản, chúng mở đợt tấn công nhằm cưỡng chiếm miền Nam! Trưa ngày 30/4/1975, tổng thống Dương Văn Minh ra lịnh đầu hàng, chấm dứt cuộc nội chiến Nam-Bắc và lịch sử đã sang trang từ đó!
      Rồi mấy mươi năm sau! Trải qua bao nhiêu thăng trầm thế sự! Tôi trở về thăm lại quê hương, thăm lại những ngôi trường thời sinh viên mà tôi đã theo học ngày xưa: Trường đại học Khoa Học Sàigon và trường đại học Sư Phạm Cần Thơ.
*****
        Về thăm Sàigon, tôi giống như người xa lạ từ một hành tinh khác đến. Tôi không còn nhận ra được những con đường thân thương ngày xưa tôi đi học. Tôi như người lữ khách lang thang trên đường phố, cảm thấy mình không còn nhớ nỗi những tên đường! Xóm lao động nghèo bên kia cầu Chữ Y, cặp theo bờ kinh Tàu Hủ đã không còn những mái nhà tôn lụp xụp, thay vào đó là những căn nhà lầu cao tầng. Bờ kinh Tàu Hủ bây giờ được xây bờ kè khang trang. Dọc theo hai bên bờ kinh có đường tráng nhựa quanh co uốn khúc, chạy xuyên qua các phường đến tận sông Sàigon. Cầu Chữ Y trước mắt tôi đã được xây dựng lại theo công trình kiến trúc hiện đại. Cầu chỉ còn sót lại tên gọi và hình dáng chữ Y! Có lẽ chính quyền hiện tại cố ý giữ lại tổng quan chiếc cầu để biểu tượng cho một trong những di tích lịch sử thành lập thành phố Sàigon, vốn được gọi danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Đứng trên cầu Chữ Y, một thoáng bùi ngùi làm cho tôi nhớ lại bản nhạc: Tám Nẻo Đường Thành của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, diễn tả cảnh tang tóc của Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sàigon: “.... Xác ai đây chết hôm qua đến nay còn thấy. Vắt cơm gầy nằm trong gói giấy. Dưới chân tường nhà ai đang cháy. Đốt đêm đen trái châu treo hay đèn lấp lánh. Cầu Chữ Y, lộ Hàng Xanh, lửa bão thiêu tám nẻo đường thành...”. Tôi tiếp tục đi trên con đường Nguyễn Biểu, con đường cũng trở nên xa lạ với tôi! Những quán bar, những xe bán Vịt quay, bến xe Lambro 550, phòng mạch bác sĩ Trần Minh Tùng... Tất cả đã không còn dấu tích gì lưu lại! Tôi đứng nơi đây lòng hoài niệm giây phút về thời quá khứ xa xăm. Đầu đường Nguyễn Biểu giáp với Nguyễn Trải, ngày xưa có ngôi trường Bác Ái của người Hoa Kiều, sau nhiều lần thay tên đổi dạng, bây giờ trở thành trường Đại Học Sài Gòn.
      Đi trên những con đường hôm nay, những gì trước mắt tôi, đều thay đổi hết! Tên Sàigon không còn nữa, thành phố đã mang tên mới ấn tượng đối với tôi: Hồ Chí Minh! Những tên đường trong thành phố đã trở thành xa lạ trong ký ức tôi như: Đồng Khởi, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám, Nam Kỳ Khởi Nghĩa ... Sự thay đổi tên đường đã được người dân truyền khẩu qua hai câu thơ đầy ý nghĩa:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!!!

       Dù có nhiều đổi thay bộ mặt thành phố để khoác lên hình ảnh ấm no hạnh phúc của người dân dưới thời đại rực rở Hồ Chí Minh. Song le, mặt trái của Xã Hội Chủ Nghĩa còn dẫy đầy tệ đoan xã hội ẩn núp trong những trung tâm massage, Karaoke, quán nhậu trá hình với hằng ngàn cô gái lứa tuổi dậy thì mặc áo quần hở hang, môi son má phấn, ngồi chờ khách mua vui. Đối với tôi, thành phố Sàigon ngày xưa đã ngủ vùi trong vùng ký ức êm đềm của tôi và bình yên trong vùng không gian thơ mộng. Còn thành phố Hồ Chí Minh giờ đây, trên con đường tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa, sự đổi mới bao năm qua là ngần ấy sinh hoạt của giới tư bản, con ông cháu cha ngụy trang dưới danh xưng tập đoàn kinh doanh để bóc lộ người dân đến tận cùng xương tủy! Và mỗi khi màn đêm buông xuống họ tập trung nơi những vũ trường ăn chơi trác táng, ném tiền qua cửa sổ. Nếu du khách từ phương xa đến, đi tản bộ trên những con đường chính của thành phố Hồ Chí Minh, nhìn những tòa cao ốc sừng sửng dưới trời đêm... Thoạt tiên, họ nghĩ rằng, đây là một thành phố phát triển theo kiến trúc hiện đại và đời sống cư dân được xếp vào tiêu chuẩn nhất nhì trên thế giới. Nhưng không phải vậy, đằng sau bộ mặt thành phố có hằng triệu người dân lao động sống trong điều kiện túng thiếu, bẩn chật nơi vùng ven đô thị, họ chịu nhiều loại sưu cao thuế nặng!
      Trước mắt tôi, những chiều mưa trên thành phố Hồ Chí Minh không còn khung cảnh tình tứ lãng mạn như trong văn thơ diễn tả chiều mưa Sàigon ngày xưa nữa:
Mưa Sài Gòn rơi lất phất chiều nay
Nơi cuối đường chờ ai em đứng đợi.?
Ánh mắt thơ ngây, nỗi buồn vời vợi.
Người chinh nhân xông pha mãi chiến trường!

      Vâng ạ! Những câu thơ trên đây làm cho tôi nhớ lại chiều mưa Sàigon chan chứa những kỷ niệm cho người lữ khách đi trên đường phố năm xưa. Rồi bây giờ, có những con đường trong thành phố Hồ Chí Minh sau cơn mưa chiều đã trở thành những dòng sông nước cao hơn cả thước!
    Than ôi! Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tôi ấn tượng khó quên vào một chiều mưa đi dạo phố!
*****
      Về thăm Cần Thơ, tôi như kẻ lạc loài, xa lạ! Những con đường xưa tôi đi đến trường đại học, tên đường đã đổi thay! Nguyễn Viết Thanh nay là đường 3/2, con đường Mạc Tử Sanh chạy dài từ Đầu Sấu đến chợ Tham Tướng nay đổi thành đường 30/4... Sự đổi thay đã làm cho tôi cảm thấy mình bị lạc lỏng giữa chốn phố phường!
       Về thăm Tây Đô, tôi ghé bến Ninh Kiều vào một buổi tối mùa hè, cùng đi với tôi là người bạn thời sinh viên trường đại học Cần Thơ. Hai đứa vào nhà hàng Du Thuyền để vừa ăn tối vừa ngắm cảnh dòng sông Ninh Kiều về đêm. Đặc điểm của nhà hàng Du Thuyền là thực khách ngồi ăn có thể nhìn tổng quan sinh hoạt dòng sông Ninh Kiều và Xóm Chày bên kia bờ sông. Nơi nhà hàng Du Thuyền tọa lạc, ngày xưa là những quán nhậu xập xệ mái tôn thấp lè tè. Quán nhậu ngày đó bán thức ăn bình dân: Lẩu dê, ốc, khô mực, khô cá đuối... Lúc ấy, vào những ngày đầu tháng, bọn sinh viên chúng tôi về quê thăm nhà rồi trở lại trường, ít nhiều gì cũng được gia đình cho tiền rủng rỉnh bỏ túi. Vì vậy, cứ mỗi tối thứ bảy đầu tháng, chúng tôi hẹn gặp nhau ở những quán nhậu bình dân vỉa hè, vui say thỏa thích. Nhớ lại lúc tôi được lệnh nhập ngũ, mấy thằng bạn cùng chung nhà trọ kéo nhau ra bến Ninh Kiều đãi tiệc tiễn đưa, chúng tôi nhậu cho đến giới nghiêm mới lang thang đi về nhà trọ. Trên đường về, chúng tôi gặp được một cô gái làng chơi lạc loài trên đường khuya vắng vẻ. Sau khi trò chuyện tán gẩu qua lại, cô gái chịu theo chúng tôi về nhà trọ và chơi xã láng sáng về sớm!
        Ngồi trong nhà hàng Du Thuyền, tôi nhận được một điều về sinh hoạt ăn uống của người dân Việt Nam. Hình như cuộc sống của dân Việt Nam bây giờ họ chú trọng đến sự hưởng thụ về ăn uống. Có lẽ từ ngày nhà nước mở cửa kinh tế cho du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, họ tiêu xài phóng khoáng nên dân Việt Nam cũng bắt chước theo kiểu hào phóng của họ. Ngay cả nhà hàng mà tôi đang ngồi ăn thuộc loại cao cấp, đồ ăn thức uống đắc giá, nhưng thực khách ngồi chật nít từ tầng trệt cho đến trên lầu. Nhìn khách vào ra tấp nập, tôi khẻ hỏi thằng bạn:
- Mầy là thổ địa Cần Thơ! Mầy nhận xét thế nào về đời sống người dân Cần Thơ nói riêng và dân cả nước nói chung?
- Về khía cạnh nào?
- Đời sống.
     Thằng Lâm bạn tôi mĩm cười rồi phân tích:
- Về đời sống người dân Việt Nam hiện nay đa số chạy theo trào lưu và ganh đua hưởng thụ, cho dù hoàn cảnh kinh tế gia đình không mấy khả quan! Tao tạm phân chia người dân thành ba tầng lớp: Giai cấp cán bộ đảng viên, tầng lớp liên quan đến Việt Kiều và tầng lớp lao động chân tay nghèo khổ!
       Nói đến đây, nó nhìn xung quanh quan sát, như sợ công an ngồi gần, rồi nó hạ giọng tiếp:
- Thành phần cán bộ đảng viên, tiêu biểu cho giai cấp thống trị! Kể từ sau ngày gọi là Giải Phóng, họ đã được chế độ ưu đãi về mọi mặt, vì vậy đời sống của họ hẳn nhiên là giàu sang phú quí. Họ có đầy đủ vật chất: Nhà lầu, xe hơi, người hầu kẻ hạ và cho con cháu đi ngoại quốc du học. Thành phần liên quan đến Việt Kiều thì cũng có đời sống thuộc giới trung lưu, khá giả trong xã hội. Việt kiều là hai chữ mà hầu như người Việt Nam ai cũng ước mơ. Như bây giờ, phong trào gả con cho đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc... Họ chỉ vì mong cho con gái mình được trang điểm hai chữ Việt Kiều! Cũng vì ước mơ đó mà đã xãy ra thảm cảnh cho những cô gái bạc phận làm dâu nơi xứ Hàn, xứ Đài, xứ Trung!!! Sau cùng của giai cấp trong xã hội Việt Nam là tầng lớp lao động nghèo thì chiếm đa số. Họ là giai cấp công nông: Công nhân và nông dân mà chủ nghĩa Cộng Sản gọi họ là giai cấp tiên phong làm cách mạng vô sản. Bây giờ họ chịu đựng mọi sự bóc lột và sưu cao thuế nặng.
       Tôi lặng im nghe nó kể. Hình như nó đang say sưa diễn thuyết một đề tài về xã hội Việt Nam. Thằng Lâm nói hồi lâu, nó ngừng lại nhìn chăm vào mặt tôi:
- Mầy nghĩ gì về những lời phân tích của tao?
     Tôi nhúng vai đáp:
- Ok...Chính xác!
      Lâm cúi mặt, nó thở dài, phân tích tiếp:
- Thành phần thuộc giới công nhân và nông dân chịu thiệt thòi nhất! Công nhân làm việc vất vả mà tiền lương thì thấp kém. Một công nhân bình thường như hiện nay, tính cả phụ cấp sinh hoạt, chỉ khoảng bốn triệu đồng mỗi tháng. Số tiền lương nầy công nhân phải chi nhiều vào sinh hoạt như: Tiền thuê phòng trọ, tiền đóng bảo hiểm, tiền chi tiêu ăn uống.... Tổng cộng tất cả loại chi phí chỉ vừa đủ số tiền lương mà công nhân lảnh được hằng tháng! Như tình trạng hiện tại, nếu cả hai vợ chồng làm công nhân thì tiền lương của họ không thể nào nuôi được một đứa con theo học bậc đại học! Vì vậy, con cháu của giới công nhân chịu nhiều thiệt thòi nhất dưới chế độ cộng sản... Còn giới nông dân, cũng chịu những thiệt thòi không ít! Giá cả bị chèn ép bởi hiệp hội xuất khẩu nông phẩm vào thị trường ngoại quốc, nhất là xuất khẩu qua Trung Quốc, nước láng giềng và là đàn anh trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa.!
      Nghe thằng Lâm phân tích về đời sống công nhân, tôi chợt nhớ đến ông thủ tướng đương nhiệm của nhà nước Việt Nam khi công du Hoa Kỳ, ông kêu gọi các doanh nhân Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, bởi vì Việt Nam có ưu điểm về tiền lương công nhân rẻ. Ông dẫn chứng rằng: “ Tôi lấy ví dụ về công ty Nike của quí quốc đầu tư vào Việt Nam, giá của một đôi giầy bán ở Hoa Kỳ là $100 USD, chính phủ Việt Nam chỉ thu được $22 USD, còn lại $78 USD thuộc về công ty Nike...”. Than ôi! Tôi nghe thủ tướng nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phân tích về lợi nhuận của công ty Nike, tôi cảm thấy xót xa cho công nhân quá! Phải chăng, nhà nước Việt Nam cấu kết với tư bản ngoại quốc để bóc lột sức lao động của công nhân bản xứ đến tột cùng. Căn cứ vào sự phân tích lợi nhuận kinh tế của một vị lãnh đạo quốc gia, tôi ngậm ngùi thương xót cho giai cấp công nhân quá!
       Rời nhà hàng Du Thuyền, hai chúng tôi đi dọc bờ sông Ninh Kiều, theo hướng căn cứ hải quân ngày xưa. Cảnh vật giờ đây đã hoàn toàn thay đổi, không còn dấu tích của ngày tháng cũ lưu lại! Những nơi chốn như: Căn cứ hải quân thời Việt Nam Cộng Hòa, khách sạn Tây Đô, khách sạn Quốc Tế... Tất cả đã đổi thay, mất hút vào vùng không gian mù khơi dĩ vãng! Sinh hoạt nơi bến Ninh Kiều về đêm rất nhộn nhịp, dập dìu du khách tham quan, hằng trăm kiều nữ áo quần lòe loẹt màu sắc, nhởn nhơ dưới chân tượng Hồ Chí Minh. Nhìn mấy nàng kiều nữ môi son má phấn mời gọi khách làng chơi, tôi chợt nhớ câu vè mà giới bình dân xứ Tây Đô lưu truyền trong dân gian sau ngày đất nước thay ngôi đổi chủ:
Cần Thơ có bến Ninh Kiều,
Dưới chân tượng bác, đĩ nhiều hơn dân!

     Tôi vừa bước đi, vừa nhớ về dĩ vãng. Thằng Lâm chợt khẻ hỏi tôi:
- Mầy còn nhớ về kỷ niệm nơi khách sạn Quốc Tế không?
- Nhớ chứ!
     Tôi dừng lại, nhìn về hướng dãy khách sạn cao tầng hướng mặt ra dòng sông Ninh Kiều rồi nhắc chuyện cũ:
- Ngày đó! Tao, mầy và mấy thằng bạn từ quê lên Cần Thơ thi tuyển vào trường đại học sư phạm. Chúng mình bốn đứa hùn tiền lại mướn một phòng của khách sạn Quốc Tế. Lúc bây giờ, Quốc Tế là khách sạn cao cấp duy nhất ở Cần Thơ có trang bị hệ thống thang máy. Mỗi lần đi thi trở về phòng, tụi mình quên nhấn nút số tầng lầu, thang máy cứ tiếp tục chạy đến tầng làm việc của Uy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám Sát Đình Chiếm (ICCS), rồi tụi mình mới trở lại tầng lầu số 3. Cứ mỗi lần như vậy, mầy cuời khì và nói:  Tụi mình là phóng viên đặc trách săn tin cho ICCS..
    Nhắc đến đây, thằng Lâm cười khà, kể về kỷ niệm đêm cuối cùng ở khách sạn Quốc Tế:
- Mầy còn nhớ khi thi xong, đêm cuối cùng chia tay, tụi mình quăng chài được một cô gái cave phục vụ cho ICCS. Cô bé có chiếc răng khểnh dể thương, rất chịu chơi, một mình đã ứng chiến với bọn mình suốt đêm không ngũ…
- Ừ! Mầy nhớ dai nhỉ! Cô gái tên Trâm, quê quán Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, cô bị người yêu bỏ rồi hận tình làm gái cave…
     Hai chúng tôi đến ngồi nơi ghế đá công viên, hướng mắt nhìn ra dòng sông Ninh Kiều. Gió lành lạnh từ sông đưa vào tạo nên cảm giác dể chịu. Bên kia xóm chai, dãy phố im lìm dưới trăng non mùa hạ làm cho tôi hoài niệm dĩ vãng nơi đây. Nhìn cảnh vật dưới trăng, tôi chợt nhớ về những ngày tháng cũ của thời sinh viên ẩn trốn vào một nơi nào đó, biền biệt xa xăm! Thế mới biết, sau 45 năm tôi trở về thăm lại Tây Đô, thời gian hơn nữa đời người tựa như giấc chiêm bao mà thuyết nhân sinh nhà Phật đã ví! Tôi bổng cất tiếng thở dài rồi đứng lên nói với người bạn cũ:
- Đêm đã khuya rồi! Mình về khách sạn Lâm ơi!...

Tây Đô mùa hè 2017
Dương Đại Trường